Vu khống là gì ? Hình phạt đối với tội vu khống như thế nào ?

Trong thời đại hiện nay, tình trạng loan truyền tin sai lệch gây tổn hại danh dự, nhân phẩm cho một ai đó ngày càng nhiều. Hành vi này có thể đủ yếu tố cấu thành tội vu khống hay cũng có thể xử lý theo các quy định pháp luật khác. Thế nhưng nhiều người dân lại không biết về những quy định này. Từ đó không bảo vệ được quyền lợi cho chính mình. Hãy cùng Luật Tiên Phong tìm hiểu về tội vu khống là gì và hình phạt của tội này nhé.

1.Vu khống là gì ?

Vu khống, được hiểu là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều mà mình biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự, hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Hành vi vu khống có thể thể hiện dưới các hình thức sau đây:

– Bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc nhằm gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác: Người phạm tội có hành vi đưa ra những thông tin không đúng sự thật và có nội dung xúc phạm nhân phẩm, danh dự, uy tín người khác như đưa ra thông tin người khác có hành vi thiếu đạo đức, có hành vi vi phạm pháp luật mặc dù người đó không có hành vi này. Hình thức đưa ra những thông tin nói trên có thể dưới những dạng khác nhau như truyền miệng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, viết đơn, thư tố giác, … Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội biết những thông tin mình đưa ra là không đúng sự thật nhưng đã thực hiện nhằm xúc phạm danh dự hoặc nhằm gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

– Loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc nhằm gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác: Lỗi của người phạm tội là cố ý. Người phạm tội biết thông tin mà mình loan truyền là sai sự thật nhưng đã loan truyền nhằm mục đích xúc phạm danh dự hoặc nhằm gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nếu người phạm tội nhầm tưởng thông tin mình loan truyền là đúng sự thật thì hành vi không cấu thành tội này.

– Bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan nhà nước: Người phạm tội có hành vi tố cáo người khác có hành vi phạm tội trước cơ quan nhà nước như trước các cơ quan công an, hải quan, viện kiểm sát…. Mặc dù thực tế người này không có hành vi đó. Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ người mình tố giác không có hành vi phạm tội nhưng vẫn tố giác họ.

2.Cấu thành tội phạm của tội vu khống:

Mặt khách quan của tội phạm

Về hành vi

Một người chỉ bị coi là phạm tội vu khống khi có một trong các hành vi sau:

Hành vi thứ nhất: Hành vi bịa đặt nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác

Theo bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999 Phần các tội phạm của thạc sỹ luật học Đinh Văn Quế – Chánh án Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao thì: “Bịa đặt là đưa ra những thông tin không đúng sự thật, tự nghĩ ra một điều gì đó mà không có với người khác”

Như vậy, hành vi này được thể hiện qua việc người phạm tội đã tự bịa ra, đặt ra những điều không đúng sự thật, có nội dung xuyên tạc và lan truyền nó để nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Hình thức để đưa ra những thông tin nói trên có thể dưới các dạng khác nhau như: Nói trực tiếp, thông qua phương tiện thông tin đại chúng hoặc các phương thức khác (nhắn tin qua điện thoại di động)

Hành vi thứ hai: Loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác

Hành vi này tuy người phạm tội không đặt ra những điều không đúng sự thật về người khác những biết rõ đó là bịa đặt (đây là dấu hiệu bắt buộc) nhưng vẫn loan truyền điều bịa đặt đó cho người khác. Người loan truyền phải biết rõ điều mình loan truyền là không có thực nếu họ còn bán tin bán nghi thì cũng chưa cấu thành tội vu khống.

Việc loan truyền này có thể dưới nhiều hình thức khác nhau như: kể lại cho người khác nghe, đăng bài, tin trên phương tiện thông tin đại chúng…

Hành vi thứ ba: Bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Đây là hành vi tố cáo trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Công an, Viện kiểm sát…) về một người khác phạm tội mà hoàn toàn không có thực. Trong trường này cần lưu ý là người phạm tội biết rõ người mình tố giác không có hành vi phạm tội nhưng vẫn tố giác.

Về hậu quả

Tội phạm không bắt buộc phải gây ra hậu quả trên thực tế.

Cần lưu ý một số vấn đề sau:

Người bị hại tức là người bị vụ khống là cá nhân chứ không phải pháp nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. gười bị hại trong vụ án vu khống có thể bị xúc phạm danh dự, cũng có thể bị thiệt hại về tài sản hoặc những thiệt hại khác về tinh thần, về sức khoẻ… nhưng chủ yếu là thiệt hại về tinh thần (danh dự).

Người phạm tội vu khống thuộc trường hợp quy định ở khoản 1, Điều 156 (tức là không có tình tiết tăng nặng) thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người bị hại có đơn yêu cầu khởi tố hình sự. Nếu có đơn yêu cầu mà trước phiên tòa sơ thẩm, người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố thì vụ án phải được đình chỉ.

Khách thể

Hành vi nêu trên xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của con người

Chủ thể

Chủ thể của tội vu khống là người từ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.

Mặt khách quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích xúc phạm danh dự của người khác là dấu hiêu cấu thành cơ bản của tội này.

3.Khung hình phạt đối với tội vu khống người khác

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2018 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự) quy định về tội vu khống, như sau:

Điều 156. Tội vu khống

1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

đ) Đối với người đang thi hành công vụ;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Vì động cơ đê hèn;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

c) Làm nạn nhân tự sát.

4.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Để được tư vấn pháp lý hoặc muốn Luật sư đại diện ủy quyền giải quyết các vấn đề pháp lý bạn đang gặp phải, hãy liên hệ với chúng tôi qua   0913.339.179 để được trải nghiệm dịch vụ tại Công ty Luật Tiên Phong. Sự hài lòng của Quý khách luôn là thành công đối với mỗi Luật sư chúng tôi. Rất mong được hỗ trợ, hợp tác.

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0913339179
(Quan tâm) Nhận khuyến mãi qua ZALO OA